image banner
Năm 2023 đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu - Thực hiện chuyển đổi số
TỈNH TÁO NHẬN DIỆN, ĐẤU TRANH VỚI LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC VỀ ĐẠO ĐỨC, DI SẢN HỒ CHÍ MINH HIỆN NAY
Lượt xem: 55
Hồ Chí Minh là lãnh tụ, người anh hùng vĩ đại của dân tộc, được các thế hệ nhân dân Việt Nam tin yêu, trở thành ngọn cờ lan tỏa, cố kết khối đại đoàn kết dân tộc. Người khai sinh Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Cùng với chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, là tài sản tinh thần to lớn, quý giá của Đảng và cách mạng Việt Nam. Nhận thức vị trí, tầm quan trọng của vấn đề trên, Đảng và Nhà nước Việt Nam trong quá trình tổ chức, lãnh đạo cách mạng luôn đặt lên hàng đầu nhiệm vụ vận dụng, bảo vệ và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh; chú trọng tuyên truyền, giáo dục, học tập theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người trong các tầng lớp nhân dân. Song, ở mặt khác, các thế lực chống đối Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam cũng luôn xác định khâu đột phá của chiến lược này là mặt trận tư tưởng chính trị, với mục tiêu số một là xóa bỏ nền tảng tư tưởng của Đảng, chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đặc biệt

I. Nhận diện nội dung các luận điệu xuyên tạc đạo đức, di sản Hồ Chí Minh

Luận điệu xuyên tạc Hồ Chí Minh là điều sai sự thật về Hồ Chí Minh được nêu ra nhằm mục đích gây tổn hại đến Hồ Chí Minh và những giá trị của Người với cách mạng Việt Nam. Nó là sự tổng hợp, đa dạng và phức tạp của nhiều âm mưu, chủ thể cũng như nội dung và các phương thức, thủ đoạn. 

Sự tấn công nhằm hạ bệ tư tưởng Hồ Chí Minh của chủ nghĩa thực dân được diễn ra từ sớm, gắn với chủ nghĩa chống cộng, chống Đảng Cộng sản Việt Nam và phong trào đấu tranh cứu nước, của cách mạng và nhân dân ta. Tuy nhiên, phải sau khi lãnh đạo phong trào Việt Minh làm nên thắng lợi cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám, năm 1945, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thì sự tấn công, xuyên tạc Hồ Chí Minh mới thực sự đậm nét và càng về sau, gắn liền với bước đi lên của cách mạng cùng với những tác động của tình hình trong nước và thế giới, những luận điệu xuyên tạc Hồ Chí Minh càng trở nên gay gắt. Đặc biệt, trong thập niên 1980 có hai sự kiện lớn liên quan trực tiếp đến Chủ tịch Hồ Chí Minh: Một là, Hội nghị khoa học Kỷ niệm 90 năm Ngày sinh Hồ Chí Minh, tổ chức tại Hà Nội, với sự tham dự của trên 300 nhà khoa học ở trong nước. Hai là, năm 1987, UNESCO ra Nghị quyết ghi nhận Hồ Chí Minh là anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam. Hai sự kiện này khiến Hồ Chí Minh nhận được sự quan tâm nghiên cứu, đánh giá cả trong và ngoài nước. Luận điệu xuyên tạc Hồ Chí Minh theo đó cũng có sự biến chuyển: cùng với chống Đảng, chống cộng ở Việt Nam, những chủ thể này chuyển sang tấn công trực tiếp, chủ yếu vào Hồ Chí Minh, trong đó có hai luận điệu chính là phủ nhận Nghị quyết của UNESCO; phủ nhận, xuyên tạc Hồ Chí Minh là người yêu nước, nhà văn hóa. 

Từ thập niên 1990 đến nay, cùng với thành tựu trong công cuộc đổi mới đất nước, Đảng Cộng sản Việt Nam ngày càng nêu cao, vận dụng giá trị, di sản Hồ Chí Minh. Đại hội VII, Đảng ta chính thức đưa vào trong Cương lĩnh, đường lối của mình: cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng và dân tộc ta. Sau đó, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chương trình, đề án nghiên cứu, giáo dục, tuyên truyền di sản Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, Đảng ta càng nêu cao di sản Hồ Chí Minh và di sản, hình ảnh của Người càng thấm sâu vào lòng dân tộc thì các chủ thể xuyên tạc Người càng tìm mọi cách chống phá. Kết hợp với một số hạn chế, khó khăn trong quản lý, điều hành của Đảng, Nhà nước, nhất là tệ tham nhũng, cửa quyền; sự thoái hóa, biến chất của một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên đã tạo cái cớ cho các luận điệu xuyên tạc Hồ Chí Minh. 

Toàn bộ các chủ thể xuyên tạc đều cho rằng, không có giá trị, di sản nào của Hồ Chí Minh, thay vào đó là những “di họa” của Hồ Chí Minh. Đó không chỉ là những di sản trực tiếp mà Hồ Chí Minh để lại như về tư tưởng - sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa, mà cả giá trị và chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam về học tập và làm theo đạo đức, phong cách của Người cũng là đối tượng mà các chủ thể xuyên tạc, chống phá. 

Một là, các chủ thể này xuyên tạc về đạo đức, phong cách của Hồ Chí Minh. 

Đối với họ, “xét về đạo lý phổ cập Đông Tây thì suốt đời Hồ Chí Minh hành động phi đạo đức” (Đại Dương). Họ không từ những câu, chữ nào để thóa mạ Hồ Chí Minh như “sáu đức tính vĩ đại”: kẻ bán nước, dâm tặc, đạo văn, xảo quyệt, hỗn láo với tổ tiên - vô giáo dục, sát nhân (Kiêm Ái); “sáu bài học tập đạo đức”: đạo đức láo, xấc; đạo đức “tam vô”; đạo đức bịp; đạo đức giết người hàng loạt; đạo đức cắt nước và bán nước; đạo đức suy đồi; đạo đức “ngôn hành bất nhất” (Hồ Không); “mười sáu vụ lừa đảo lịch sử” (Cao Đắc Tuấn), v.v.. Cùng với đó, họ vu cáo đạo đức, nhân cách Hồ Chí Minh khi cho rằng, Người “mượn” tư tưởng vĩ nhân thế giới làm tư tưởng của mình, cóp sách, sửa thơ của người khác làm sách, thơ của mình, nhất là ở tác phẩm Nhật ký trong tù. Họ kết luận xuyên tạc rằng: đạo đức Hồ Chí Minh là gian xảo, láu cá hơn là lương thiện; làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh là một thất bại, khiến Việt Nam vẫn lạc hậu và sự nghiệp Hồ Chí Minh là “nhốt cả dân tộc vào cái rọ chuyên chính vô sản về mặt chính trị, và đem lại nghèo đói, lạc hậu, nhân tâm ly tán, xã hội băng hoại, đạo lý suy đồi, về mặt kinh tế xã hội” ( Lữ Phương.)

Nhằm phủ nhận giá trị, di sản văn hóa, đạo đức Hồ Chí Minh còn một luận điệu khá phổ biến là phủ nhận Nghị quyết của UNESCO về Kỷ niệm 100 Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và tôn vinh Người là Nhà văn hóa kiệt xuất. Thực tế lịch sử hoàn toàn bác bỏ luận điệu trên. Đó là, tại Phiên họp lần thứ 24 ở Paris từ ngày (20/10/1987-20/11/1987), Đại Hội đồng UNESCO đã thông qua Nghị quyết 24C/18.6.5 “Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Văn bản gốc của Nghị quyết hiện còn được lưu lại ở nhiều nơi, trong đó có UNESCO và Bảo tàng Hồ Chí Minh. Nội dung Nghị quyết đã được Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam thẩm định lại từ bản gốc tiếng Pháp và tiếng Anh. Nghị quyết 24C/18.6.5 thể hiện rằng: Những người được UNESCO tôn vinh kỷ niệm ngày sinh, trong đó có Hồ Chí Minh là những “nhân vật trí thức lỗi lạc và các danh nhân văn hóa trên phạm vi quốc tế”, “góp phần thực hiện các mục tiêu của UNESCO và đóng góp vào sự hiểu biết trên thế giới”, “đã để lại dấu ấn trong quá trình phát triển của nhân loại”. Do đó, cần phải hiểu “của Việt Nam” trong “ghi nhận” tại Nghị quyết 24C/18.6.5 là: “Hồ Chí Minh là Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam”, chỉ “để chỉ quốc tịch, quốc gia của Hồ Chí Minh, chứ không phải với ý nghĩa tầm cỡ hay phạm vi ảnh hưởng”. Càng không thể cho đó là do Việt Nam đề nghị, ghi nhận mới có được, bởi những đóng góp của Người được cả Việt Nam và thế giới tự hào và tôn vinh.

Hai là, về chủ trương học tập và làm theo Hồ Chí Minh của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Họ xuyên tạc, Đảng Cộng sản Việt Nam “chỉ muốn lợi dụng” Hồ Chí Minh để “làm bung xung cho ý muốn tham quyền cố vị và đi ngược lại quyền lợi của đất nước” (Tiến Hồng, tổ chức Việt Tân). Nhiều người lập luận: “Bản thân tấm gương đạo đức của Cụ Hồ cao đẹp, hấp dẫn đến như thế mà vẫn không đủ sức ảnh hưởng, thấm sâu vào ngay các đồng chí, học trò gần gũi chung quanh mình, thì làm sao ảnh hưởng tới được đông đảo cán bộ và nhân dân bên dưới?” hay trong bối cảnh thực trạng suy thoái về đạo đức của cán bộ đảng viên mà cứ “kêu gọi “đẩy mạnh học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” một cách hình thức và nhàm chán, một khi “trái núi chỉ đẻ ra những con chuột” tham nhũng thì dễ biến thành một trò hề, hơn nữa còn là một sự nhạo báng đối với Cụ” (Lê Kỳ Sơn). 

          II. Đẩy mạnh, nâng cao chất lượng nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục về Hồ Chí Minh để đấu tranh phòng, chống các luận điệu xuyên tạc đạo đức, di sản Hồ Chí Minh hiện nay

Trong nghiên cứu, nhận định về Hồ Chí Minh đã có nhiều chiều cạnh nhìn nhận, đánh giá, bởi nó phụ thuộc vào chất lượng và mức độ, khả năng xử lý nguồn thông tin (tài liệu của Hồ Chí Minh, về Hồ Chí Minh) có được, cùng với phương pháp tiếp cận khác nhau. Song, tôn trọng sự thật lịch sử là một đòi hỏi nghiêm ngặt trong nghiên cứu lịch sử nói chung cũng như trong đấu tranh chống luận điệu xuyên tạc Hồ Chí Minh nói riêng. 

Hồ Chí Minh trong thực tế đã trở thành biểu tượng, niềm tin, giá trị tinh thần văn hóa của dân tộc. Đây là thực tế hiện hữu sống động trong đời sống tinh thần, văn hóa của nhân dân và dân tộc ta. Ngay từ khi còn sống, Hồ Chí Minh đã trở nên “huyền thoại”, từ quyết tâm bôn ba nước ngoài, chịu bao vất vả gian khó tìm đường cứu nước giải phóng dân tộc, đến ý chí, quyết tâm giành, giữ nền độc lập, thống nhất đất nước. Người là biểu tượng về tư tưởng hòa bình, khoan dung văn hóa. Người là tấm gương về đạo đức cách mạng, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Người đã trở thành niềm tin, nguồn cổ vũ lớn không chỉ cho các chiến sĩ trên chiến trường, trong nhà tù thực dân mà còn là cảm hứng trong sáng tác thơ, văn, nhạc, họa, kịch, truyện... và đi vào đời sống tâm linh của dân tộc. Đã có 600 di tích, địa điểm lưu niệm Hồ Chí Minh tại gần 30 tỉnh, thành phố; hàng triệu người đến viếng Lăng Bác mỗi năm, “Tên Người là cả một niềm thơ”, “nghĩ về Bác, lòng ta trong sáng hơn”, “cháu ngoan Bác Hồ”, “bộ đội cụ Hồ”... Tất cả hiện thực này đã khẳng định biểu tượng, niềm tin, văn hóa Hồ Chí Minh trong đời sống xã hội, tinh thần của nhân dân, đất nước Việt Nam. Nó có giá trị kết tụ sức mạnh tinh thần, tình cảm, niềm tin thiêng liêng của cả dân tộc và trở thành một trong những trụ lực bền chắc nhất để dân tộc tồn tại, phát triển; đồng thời, ở chiều ngược lại, bất kỳ hành vi, thái độ, ứng xử xúc phạm, bôi nhọ Hồ Chí Minh đều là sự phản văn hóa và xúc phạm đến tình cảm thiêng liêng, sâu đậm của đất nước, con người Việt Nam. Điều này cũng xác quyết sự trường tồn, bất tử của Hồ Chí Minh và thất bại tất yếu của mưu đồ “hạ bệ thần tượng”, “đánh đổ huyền thoại”, hay các luận điệu xuyên tạc liên quan đến giá trị tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh (trong đó có chủ trương Học tập và làm theo Người của Đảng, Nhà nước ta) cũng như những cách hiểu sai, lệch lạc về “sùng bài cá nhân”, mang màu sắc thần bí, tôn giáo về Người của một số nhà nghiên cứu phương Tây.

Thực tế thế giới là một căn cứ quan trọng khác để phản bác các luận điệu xuyên tạc Hồ Chí Minh. Trước hết, Hồ Chí Minh được rộng khắp nhân dân, các nước trên thế giới dành tình cảm, đánh giá cao về tài năng, đạo đức, nhân cách. Thể hiện rõ nhất là đã có 22.000 bức điện chia buồn từ 121 nước khi Người qua đời; Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (nơi Người sống và làm việc trong 15 năm cuối đời) đã đón tiếp và phục vụ hơn 80 triệu lượt khách về tham quan, học tập, trong đó có khách của hơn 160 quốc gia và hàng trăm tổ chức quốc tế; tên, tượng, tượng đài, khu di tích, lưu niệm, “không gian” Hồ Chí Minh... hiện có ở 20 quốc gia, trải hầu khắp châu lục; nhiều bài hát, tranh, ảnh, phim về Người được thế giới sáng tác, sản xuất; nhiều học giả, nhà nghiên cứu, hội thảo quốc tế về Hồ Chí Minh được công bố, tổ chức. Hồ Chí Minh là một trong 100 nhân vật quan trọng nhất thế kỷ XX và nằm trong danh sách 20 nhà lãnh đạo và nhà cách mạng có uy tín nhất thế giới. Đặc biệt, là sự vinh danh Người là anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất của UNESCO, v.v.. Những điều này đã khẳng định tình cảm, sự tôn trọng, ngưỡng mộ của thế giới về Người. Cho dù thời gian và nhiều biến cố chính trị xảy ra ở Việt Nam và thế giới, song những điều đó không những không nhạt phai mà ngày càng in đậm, bền chặt và phát triển. Nó đối lập hoàn toàn so với ý kiến lạc lõng của một số người trên thế giới về Hồ Chí Minh. 

Cuộc đấu tranh chống các luận điệu xuyên tạc Hồ Chí Minh có mối quan hệ biện chứng với cuộc đấu tranh chống quan điểm, luận điệu chống phá Đảng và chế độ XHCN ở nước ta. Chính vì vậy, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, quy định, pháp lý có liên quan đến Hồ Chí Minh, vừa nhằm ghi nhận những quan điểm chính thức - chính thống của Đảng ta về Hồ Chí Minh; vừa tạo hành lang pháp lý để xử lý những hành vi xuyên tạc, bôi nhọ Người. Những quan điểm, đánh giá của Đảng ta về Hồ Chí Minh được thể hiện rất rõ trong các văn kiện chính trị của Đảng. Ở đó, Đảng ta đã ghi nhận những giá trị, cống hiến to lớn của tư tưởng, sự nghiệp, đạo đức, phong cách của Người đối với đất nước, xã hội và các tầng lớp nhân dân qua các thời kỳ phát triển của cách mạng Việt Nam. Mới đây nhất, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong diễn văn tại “Lễ Kỷ niệm 125 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2015), đã khẳng định: Hồ Chí Minh “đã để lại cho chúng ta và các thế hệ mai sau một gia tài đồ sộ, một di sản hết sức quý báu, gồm ba bộ phận. Đó là: tư tưởng Hồ Chí Minh, thời đại Hồ Chí Minh và tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Tại Đại hội XII, Đảng ta đã rút ra bài học hàng đầu sau 30 năm đổi mới là: “Trong quá trình đổi mới phải chủ động, không ngừng sáng tạo trên cơ sở kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh” ([1]).

Để có niềm tin yêu về Hồ Chí Minh, ý thức và khả năng đấu tranh cũng như sức đề kháng miễn nhiễm các quan điểm sai trái, xuyên tạc Hồ Chí Minh thì một giải pháp quan trọng, bền vững nhất chính là xây dựng một nguồn lực thông tin, lý luận đầy đủ, chắc chắn, đúng đắn về Người. Thực tế chỉ ra, một bộ phận của chủ thể xuyên tạc Hồ Chí Minh xuất phát từ nguyên nhân ban đầu là do họ chưa nhận thức đúng đắn về Hồ Chí Minh, dần dà, họ đọc, nghe và chịu ảnh hưởng của các thông tin, quan điểm sai trái hoặc bị lôi kéo, dụ dỗ bởi các thế lực phản động, chống đối mà đưa ra các luận điệu xuyên tạc về Người. 

Mặt khác, trong nghiên cứu Hồ Chí Minh, còn những khoảng “trống”, những bất cập về mặt lý luận cả lúc sinh thời của Hồ Chí Minh cũng như vận dụng nó vào giai đoạn  hiện nay. Đây chính là những nguyên nhân, cái cớ cho sự xuất hiện, tồn tại và chưa đem lại hiệu quả cao trong đấu tranh, phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc về Hồ Chí Minh. Chính vì vậy, một giải pháp cơ bản, quan trọng trong phòng, chống các luận điệu xuyên tạc Hồ Chí Minh là phải đẩy mạnh, nâng cao chất lượng nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục về Hồ Chí Minh. Chúng ta không thể bằng lòng và càng không thể xem nhẹ việc nghiên cứu, giáo dục, tuyên truyền Hồ Chí Minh. Thành tựu trong công tác này thời gian qua là to lớn, góp phần quan trọng trong đường lối lãnh đạo của Đảng, sự ổn định đời sống tư tưởng, tinh thần của nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, trước mặt  trái của nền kinh tế thị trường, quá trình hội nhập quốc tế, sự tấn công của các thế lực thù địch thì công tác này cần phải được quan tâm, đầu tư hơn nữa. Chỉ khi chúng ta lấp đầy những khoảng trống trong nghiên cứu cơ bản về Hồ Chí Minh và trên nền tảng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng ta giải quyết được những vấn đề lý luận, thực tiễn đang đặt ra thì cuộc đấu tranh phòng, chống các luận điệu xuyên tạc Hồ Chí Minh mới đạt chất lượng, hiệu quả cao. Ngược lại, chừng nào, khả năng “soi đường” của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trên một hay nhiều vấn đề lý luận còn chậm, chưa làm được vai trò mở đường, mà lại đi theo sau và bị thực tiễn vượt lên trước; hay khi một hiện tượng mới xuất hiện trong thực tiễn, lý luận chưa có sự giải thích thuyết phục nhằm định hướng sự vận động của hiện tượng đó, v.v., thì hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp sẽ trở thành nguyên nhân dẫn đến các luận điệu xuyên tạc Hồ Chí Minh, cả ở chủ thể xuyên tạc, nhất là với những người thoái hóa, cơ hội chính trị và cả ở những nội dung của luận điệu xuyên tạc.

Các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh, nâng cao chất lượng nghiên cứu, tuyên  truyền, giáo dục về Hồ Chí Minh. Chỉ khi chúng ta lấp đầy những khoảng trống trong nghiên cứu cơ bản về Hồ Chí Minh và trên nền tảng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng ta giải quyết được những vấn đề lý luận, thực tiễn đang đặt ra thì cuộc đấu tranh phòng, chống các luận điệu xuyên tạc Hồ Chí Minh mới đạt chất lượng, hiệu quả cao. 

Ngoài ra, công tác tuyên truyền về Hồ Chí Minh với đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào ở vùng sâu, vùng xa và vùng có đạo cũng cần có chính sách, đầu tư thỏa  đáng, nhằm củng cố, tăng cường niềm tin vào Đảng và Hồ Chí Minh của đồng bào, đồng thời, ngăn chặn sự xâm nhập tư tưởng chia rẽ, thù địch lợi dụng các  luận điệu xuyên tạc Người nhằm mục đích xấu. 

Một đối tượng khác cần hết sức chú trọng đầu tư, đổi mới, đa dạng nội dung và hình thức tuyên truyền về Hồ Chí Minh là đồng bào ta ở nước ngoài và nhân dân, các  quốc gia trên thế giới. Bởi đây vừa là chủ thể, vừa là đối tượng dễ bị ảnh hưởng bởi các luận điệu xuyên tạc Hồ Chí Minh. Thông qua báo chí, đài phát thanh, truyền hình đối ngoại cũng như báo, đài tiếng Việt ở nước ngoài có tiếng nói khách quan như Vietweekly, treonline.com, KBC hải ngoại...; các chương trình kết nối kiều bào hướng về quê hương như “Ngày Việt Nam”, “Trại hè Việt Nam” của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở  nước ngoài; qua giáo dục như việc đào tạo ngành Việt Nam học ở trong và ngoài nước; qua dịch thuật, xuất bản, triển lãm ấn phẩm và các công trình, đài tưởng niệm, đường phố, trường học, di tích về Hồ Chí Minh ở thế giới để chính phủ, các tổ chức quốc tế, nhân dân thế giới hiểu biết nhiều hơn về Việt Nam.

Cách đây hơn 35 năm, khi khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới tại Đại hội VI (1986), Đảng ta đã xác định: Đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đó là đổi mới có nguyên tắc, là kiên định con đường đã lựa chọn - độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Đảng ta nêu rõ, nền tảng tư tưởng của Đảng, kim chỉ nam hành động của cách mạng Việt Nam là chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Phải ra sức bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đấu tranh kiên quyết, phản bác sự xuyên tạc, truyền bá các quan điểm sai trái, thù địch của các thế lực chống đối và phản động ở trong và ngoài nước nhằm phá hoại sự nghiệp cách mạng của Đảng và của nhân dân ta. Phải kiên trì lý tưởng và mục tiêu, kiên định con đường đã lựa chọn, giữ vững vai trò lãnh đạo và địa vị cầm quyền của Đảng Cộng sản, bất luận trong hoàn cảnh và tình huống nào.

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là hai mặt không tách rời của cùng một vấn đề mục tiêu: giữ vững niềm tin khoa học, tiếp tục đổi mới sáng tạo, bảo vệ Đảng, chế độ và nhân dân, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vì Độc lập - Tự do - Hạnh phúc của nhân dân.

 


 


[1] Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.69

Sưu tầm
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Tin mới